Lịch sử chiến đấu PT-76

Khoảng 3.000 xe tăng PT-76 đã được Liên Xô sản xuất và 2.000 chiếc đã được xuất khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tự sản xuất hàng ngàn xe PT-76, trong đó có biến thể xe tăng hạng nhẹ kiểu 63 (thay thế tháp pháo và pháo 76mm bằng pháo 85mm). Ở Việt Nam, xe tăng hạng nhẹ kiểu 63 được gọi là PT-85.

Sau đó nó đã được Liên Xô thay thế bằng BMP-1BRM-1. Tuy nhiên, một số đơn vị hải quân đánh bộ của Nga vẫn sử dụng một số PT-76 cho tới năm 2000. Tới năm 2020, nó vẫn được sử dụng ở một số đơn vị vũ trang tại một số quốc gia.

Trong Chiến tranh Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đưa PT-76 vào chiến đấu và thu được một số thành công trong các trận Làng Vây, Bến Hét, và nó đã tham gia chiến đấu hợp đồng binh chủng cùng loại xe tăng hạng trung T-54/55.

Xe tăng PT-76 số hiệu 268 từng tham gia chiến dịch (nay đặt tại tượng đài chiến thắng Làng Vây)

PT-76 cho thấy tính cơ động tuyệt vời trong các địa hình khó khăn, nhiều sông ngòi ở Việt Nam. Cuối tháng 1 năm 1968, PT-76 của Quân đội nhân dân Việt Nam tham chiến lần đầu tiên tại Trận Tà Mây - Trận Làng Vây (đường 9 - Khe Sanh). 20 giờ ngày 23-1-1968, bộ đội xe tăng với trang bị là xe tăng hạng nhẹ PT-76 đã chở bộ binh đánh thẳng vào bên trong cứ điểm Tà Mây, dùng hỏa lực đánh sập lô cốt, ụ súng, khiến quân địch tháo chạy. Ngày 7/2/1968, bộ đội tăng - thiết giáp với 14 xe PT-76 đã chi viện cho bộ binh tiêu diệt cứ điểm Làng Vây, diệt hoặc bắt sống gần 700 địch. Ngày 7/2 trở thành ngày kỷ niệm đánh thắng trận đầu của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam.

Trong cuộc chiến, có duy nhất 1 trận xe tăng Mỹ đấu với xe tăng Quân giải phóng là trận Bến Hét đêm 3/3/1969. Đại đội XT-16 tham gia tiến công căn cứ Bến Hét, sử dụng 4 xe PT-76. Trong căn cứ Bến Hét, Mỹ có 1 đại đội xe tăng gồm 4 xe tăng M48 Patton. Khi tiếp cận căn cứ, 1 chiếc PT-76 cán phải mìn và bị hỏng xích, tiếng nổ đồng thời báo động cả trại. Xe tăng M48 của Mỹ khai hỏa, phá hủy chiếc PT-76 bị hỏng xích. Tuy không có kính nhìn đêm, nhưng nhờ quan sát chớp lửa từ đầu nòng pháo của xe tăng Mỹ, 1 xe tăng PT-76 của quân Giải phóng bắn trả trúng đích, đánh trúng tháp pháo 1 chiếc M48 Patton bằng 1 viên đạn nổ. Đại úy Stovall (đại đội trưởng của đại đội xe tăng Mỹ) đang đứng phía sau tháp pháo và trưởng xe của chiếc M48 bị sức nổ đánh văng ra sau và cả 2 đều bị thương nặng, vụ nổ cũng giết chết lính nạp đạn và xạ thủ đang bắn khẩu đại liên của chiếc M48. Các xe tăng M-48 khác bắn trả dữ dội, phá hủy 1 chiếc PT-76. Sau đó, máy bay Mỹ nhào tới bắn phá, 2 chiếc PT-76 còn lại của Quân Giải phóng quyết định rút lui.

Xe tăng PT-76 nối tiếng nhất là xe số hiệu 555, biệt danh “Mãnh hổ Đường số 9” bởi những chiến tích của nó, đặc biệt là 2 lần đơn độc tung hoành trong cứ điểm địch. Lần đầu tiên là trong trận Tà Mây tháng 1/1968, trưởng xe Lê Xuân Tấu đã ra lệnh cho xe đi đầu xông vào căn cứ địch, vừa dùng pháo và súng máy diệt địch, vừa dùng xích sắt nghiến nát các công sự. Lần thứ 2 là ở điểm cao 543 trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, xe 555 có chính trị viên tiểu đoàn Lê Cối cùng đi dẫn đầu đội hình trung đội 1 tiến lên điểm cao 543, vừa bắn vừa yểm trợ bộ binh xông thẳng vào trận địa pháo và khu trung tâm thông tin, bắt sống toàn bộ Ban Tham mưu Lữ đoàn dù 3 của địch, trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ đoàn trưởng. Xe tăng 555 được đưa về Hà Nội tham gia Triển lãm về Chiến thắng “Đường 9 - Nam Lào” và nay được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Ngoài ra, những chiếc xe tăng hạng nhẹ kiểu 63 (Type-63, phiên bản Trung Quốc của PT-76) được Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam vào năm 1971. Type 63 được sử dụng lần đầu tiên trong chiến đấu vào tháng 12/1971 ở chiến dịch Cánh đồng Chum trong đội hình Tiểu đoàn xe tăng 195A.

Trận đánh nổi tiếng của Type-63 là trận phòng ngự cảng Cửa Việt ngày 27-28/1/1973. Để chống lại 130 xe tăng, xe thiết giáp các loại của đối phương, Quân Giải phóng chỉ có Đại đội tăng thiết giáp 1 gồm 7 xe: 1 xe tăng Type-63 (số hiệu 704), 2 xe thiết giáp K-63 (có trang bị 2 bệ phóng tên lửa chống tăng B-72), 4 xe thiết giáp BTR-50 lắp cao xạ 23mm. Về sau đại đội 1 được chi viện thêm 1 xe tăng T-54 của Trung đoàn 203. Kíp xe Type-63 số hiệu 704 trong đêm tối đã bất ngờ xuất kích đánh vào sườn đội hình địch, với 8 phát đạn đã bắn cháy 5 xe tăng M48 Patton và bắn hỏng 2 xe tăng M48 khác, đồng thời tiêu diệt hàng chục bộ binh. Đến rạng sáng, xe tăng 704 bị trúng đạn pháo của địch, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Khoán và nạp đạn viên Nguyễn Văn Khanh hy sinh, pháo thủ Hoa Xuân Toàn và lái xe Nguyễn Thế Tường bị thương nặng.

Kết thúc trận đánh, quân Giải phóng đã phòng ngự thành công cảng Cửa Việt. Riêng đại đội 1 đã bắn cháy 16 xe tăng - xe thiết giáp của địch, yểm trợ bộ binh thu giữ 3 xe tăng M48 Patton, 3 xe tăng M41 Walker Bulldog và 5 xe M-113. Phía Đại đội 1 bị bắn cháy 6 xe (1 xe tăng Type-63 và 5 xe thiết giáp). Ngày 23/9/1973, Đại đội 1 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân[1].

Bài viết liên quan đến vũ khí này vẫn còn sơ khai. Bạn có thể giúp Wikipedia mở rộng nội dung để bài được hoàn chỉnh hơn.

Liên quan